Tempura là một trong những món ăn Nhật Bản nổi tiếng và phổ biến trên khắp thế giới. Tại các nhà hàng Nhật Bản, bạn sẽ thường bắt gặp các loại tempura tôm, tempura rau củ. Tuy nhiên, với sự sáng tạo của người Nhật, họ còn sáng tạo ra thêm các món tempura với nhiều nguyên liệu tươi sống khác nhau.
Tempura có thể dùng như một món đơn cùng các nước sốt chấm hoặc ăn cùng với cơm (Tendon) hoặc mì (Tempura Soba, Tempura Udon)
Tempura tôm là gì?
Ở Nhật Bản người ta thường gọi Tôm Tempura là Ebi no Tempura hoặc Ebi Ten. Trong đó Ebi có nghĩa là Tôm và Ten đến từ từ Tempura, Ebi Ten là Tôm Tempura.
Ngoài các loại rau củ để làm tempura rau củ thì hải sản cũng là một nguyên liệu chính cho món tempura và trong số các loại hải sản thì tôm chắc hẳn là nguyên liệu được yêu thích nhất bởi vì tôm có độ dai, ngọt tự nhiên bên ngoài được bao phủ một lớp bột rất mỏng, giòn giòn, cắn một miếng lại muốn cắn thêm miếng thứ hai, một cảm giác thật sự rất gây nghiện.
Hình ảnh món tôm tempura Ocean Gift
5 mẹo làm món tôm tempura giòn tan
Giữ lạnh tất cả các nguyên liệu (bột, trứng, nước, …)
Không trộn bột quá kỹ và nếu có một số cục bột bị vón cục cũng không sao
Bắt đầu chiên ngập dầu ngay sau khi trộn bột xong
Giữ nhiệt độ dầu ổn định
Chỉ nên phủ một nửa bề mặt dầu với các thành phần
Bí kíp tạo nên một lớp vỏ tôm tempura giòn ngon, không thấm quá nhiều dầu khi chiên nằm ở kỹ thuật chiên bột và chiên ngập dầu mà không phải ai cũng biết. Xem ngay bí quyết dưới đây cùng ibep nhé!
Hướng dẫn làm món tempura tôm chiên xù Nhật Bản
- Thời gian chuẩn bị: 30 phút
- Thời gian nấu ăn: 15 phút
- Tổng: 45 phút
Thành phần
10 con tôm (có thể chọn tôm sú hoặc tôm thẻ đều được)
Tinh bột khoai tây hoặc tinh bột bắp
3 chén dầu thực vật (dầu hạt cải, dầu cám gạo, …), dầu mè giúp tạo hương vị thơm hơn, nên kết hợp chung theo tỉ lệ dầu thực vật: dầu mè = 10:1)
Bột tempura (tỉ lệ trứng + nước: bột mì = 1:1)
1 quả trứng
¾ cốc nước đá
1 chén bột mì đa dụng ( hoặc bột mì thường )
Nước sốt tempura
¾ cốc dashi ( nước súp Nhật Bản) ( hoặc bạn có thể pha theo công thức ¾ cốc nước + 1 thìa cà phê bột dashi)
3 muỗng canh nước tương
2 muỗng canh rượu mirin
2 muỗng cà phê đường
5cm củ cải trắng bào nhẹ & vắt lấy nước cốt
Làm nước sốt tempura
Cho nước dashi, nước tương, rượu mirin và đường vào một nồi nhỏ và đun sôi. Sau đó hạ lửa nhỏ và để liu riu cho đến khi đường tan hết, tắt bếp nhấc nồi ra và để sang một bên.
Chuẩn bị tôm
Bóc vỏ và loại bỏ phần chỉ đen trên lưng tôm, sau đó rạch vài đường phía dưới, giữ và uốn cong tôm để tôm được thẳng, nắn càng thẳng càng tốt sẽ giúp món ăn trông đẹp mắt hơn.
Chuẩn bị dầu chiên tempura tôm
Dùng chảo hoặc nồi sâu, đun nóng 1 ½ (khoảng 3cm) dầu ăn, nhiệt độ từ 180-190 độ C (355-360 độ F), duy trì nhiệt độ dầu sôi đều. Có thể kiểm tra nhiệt độ bằng đũa hoặc bằng nhiệt kế.
Cách làm bột tempura
- Rây bột vào âu lớn
- Cho trứng vào cốc nước đá lạnh, đánh mạnh hỗn hợp và loại bỏ bọt nếu có
- Đổ từ từ hỗn hợp trứng vừa đánh vào âu bột, trộn đều hỗn hợp nhưng không trộn quá kỹ, nếu bị vón một số cục nhỏ cũng không sau. Sau khi trộn xong nên chiên ngay.
- Rắc bột khoai tây ( hoặc bột ngô ) lên bề mặt tôm, điều này giúp tôm bám vào lớp bột tempura tốt hơn
- Cho tôm vào bột tempura
- Cho tôm sau khi nhúng bột vào chảo dầu đã đủ nhiệt độ cho đến khi chín vàng, khoảng 2-3 phút. Không nên chiên lâu sẽ làm tôm quá chín, kết cấu sẽ bị dai hoặc khô.
- Vớt tôm tempura sang dĩa có giấy thấm dầu hoặc giá đỡ cho ráo dầu thừa
- Giữa các mẻ hãy vớt các vụn bột trong dầu để tránh bị cháy và làm sậm màu dầu
Trình bày món ăn
- Bào củ cải trắng, ép bớt nước
- Tempura tôm ăn kèm nước chấm và củ cải trắng bào
Bảo quản tempura tôm
Bạn có thể bảo quản tempura trong hộp kín và bảo quản trong tủ lạnh đến 2 ngày hoặc trong ngăn đá 1 tháng. Làm nóng lại bằng lò nướng, lò vi sóng, nồi chiên không dầu hoặc chiên lại nếu thích.