Chả mực ở vùng biển Hạ Long là đặc sản nổi tiếng mà hầu hết các du khách, thực khách đến vùng đất này sẽ đều yêu thích mua về làm quà cho gia đình. Ngày nay việc thưởng thức món ăn này đã không còn quá khó khăn bởi có rất nhiều cơ sở chế biến và cung cấp sản phẩm phổ biến trên thị trường.
Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm hương vị đặc trưng chỉ tại vùng Hạ Long có được, hãy thử sức làm món chả mực Hạ Long tại nhà nhé, chỉ cần bạn tìm được nguyên liệu mực tươi ngon thì chắc chắn món này sẽ thành công. Nào hãy xem ngay hướng dẫn phía dưới và làm ngay thôi nào!!!
1. Các bước chuẩn bị nguyên liệu làm chả mực
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Mực nang tươi: loại mực có thân to, mình dày, thịt chắc, bí quyết giúp chả mực ngon, giòn, dai và thơm hơn.
Tôm: có thể chọn tôm thẻ hoặc tôm sú, thông thường tỷ lệ 1kg tôm và 5kg mực
Thịt ba chỉ: nên chọn miếng có đầy đủ mỡ nạc xen kẽ thì làm chả mực sẽ ngon hơn, thông thường tỷ lệ thịt ba chỉ 1kg thì mực 5kg
Hành lá, hành tím, ớt, tỏi
Nước mắm, muối, tiêu, đường, hạt nêm, dầu ăn
Bước 2: Sơ chế nguyên liệu
- Mực nang lột da, bỏ túi mực, nội tạng, mắt, miệng, mai. Khử mùi tanh bằng cách rửa sạch mực với nước muối loãng, sau đó dùng chanh chà xát rồi xả lại với nước lạnh. Để mực thật ráo rồi thái thành các miếng nhỏ dày khoảng 2 cm, phần râu thái hạt lựu.
- Tôm cắt đầu và đuôi, lột vỏ, rút bỏ đường chỉ đen trên sống lưng, rửa sạch, để ráo rồi băm nhuyễn.
- Thịt ba chỉ cắt bỏ da, rửa sạch, để thật ráo và cắt từng miếng nhỏ
- Tỏi và hành tím băm nhuyễn. Hành lá và ớt xắt nhỏ.
Bước 3: Ướp nguyên liệu
Tiến hành ướp các nguyên liệu gồm: mực nang, ba chỉ, tôm, hành lá, hành tím, tỏi ớt đã băm nhuyễn vào 1 tô lớn, thêm nước mắm, tiêu, đường hạt nêm theo khẩu vị vừa ăn của gia đình, ướp trong khoảng 30 phút cho thấm.
2. Cách làm chả mực giã tay thủ công
Cho nguyên liệu vào cối, dùng chày giã liên tục cho đến khi tạo nên hỗn hợp mềm mịn, có dấu hiệu kết dính với nhau. Khi giã, cho nguyên liệu từng chút một để tránh mực bắn ra ngoài và giã nhanh nhuyễn hơn.
Việc sử dụng cối giã, các thớ thịt mực bị nát sẽ giúp tạo độ dẻo dai cho chả mực hơn. Có thể cho thêm chút dầu ăn để mực không bị dính vào cối.
Thoa một ít dầu ăn vào bàn tay, vo miếng chả mực thành hình tròn rồi ấn dẹp. Không nên ấn quá mỏng để chả mực giữ được vị ngọt, giòn dai ngon hơn. Đun nóng dầu ăn, thả chả mực vào chiên ngập dầu đến khi chín vàng 2 mặt thì vớt ra, để ráo.
3. Cách làm chả mực bằng máy xay sinh tố
Nếu không có cối giã hoặc muốn tiết kiệm thời gian thì có thể dùng máy xay sinh tố để làm chả mực. Cho phần nguyên liệu đã ướp vào máy xay và xay đến khi thấy mực dẻo lại và nhuyễn ra thì cho chả mực ra thau và quết đều để chả giòn và dai hơn
Lưu ý cho máy xay chạy khoảng 15 giây rồi cho máy nghỉ 1 chút để tránh máy bị nóng dễ khiến mực bị chín. Chả mực làm từ máy xay tuy tiết kiệm thời gian nhưng sẽ không được dai, dẻo như chả mực giã bằng cối. Phần tạo hình và chiên chả mực cũng giống như cách làm món chả mực giã tay.
Bước 4: Yêu cầu thành phẩm
Chả mực Hạ Long khi chín có màu vàng ruộm hấp dẫn, mùi thơm lừng, khi ăn cảm nhận được miếng chả vừa giòn vừa ngọt, không bị khô, có chút dai dai sần sật, gia vị mặn ngọt vừa miệng. Nếu chả mực có màu vàng cánh gián là đã bị quá lửa, sẽ bị mặn và khét.
4. Cách bảo quản chả mực
- Đối với chả chưa chiên: Nên bảo quản ngăn mát có chế độ lạnh nhỏ hơn 5 độ C, bảo quản được trong 1-3 ngày. Nếu muốn lưu trữ lâu thì nên chiên qua trước khi bảo quản.
- Đối với chả đã chiên: Nên chiên sơ chả mực, cho vào túi hút chân không hoặc hộp kín và bảo quản trong ngăn đá, ngăn đông tủ lạnh dưới -18 độ C sẽ để được 3-6 tháng. Nếu để ở ngăn mát tủ lạnh thì có thể bảo quản được 10 ngày.
5. Lưu ý khi làm chả mực
Cách chọn mực tươi: chọn loại mực nang có thân to, mình dày, thịt chắc, lớp da xanh sáng bóng, mắt trong, thịt có màu trắng đục đặc trưng, còn nguyên con, không bị mềm nhão
Món ngon với chả mực: chả mực có thể biến tấu thành nhiều món với hương vị thơm ngon riêng như chả mực chấm tương ớt (có thể thay bằng tương cà, mayonnaise), bún chả mực, xôi chả mực, bánh cuốn chả mực, gỏi chả mực, canh chua chả mực…
Cách ăn chả mực: buổi sáng nên ăn chả mực kèm với xôi trắng, bún, bánh cuốn. Buổi trưa và buổi tối, nên ăn chả mực chấm nước chấm cùng cơm trắng hoặc làm gỏi, nấu canh, rim…
6. Làm chả mực cho bột gì
Bột là thành phần phụ trong công thức chả mực. Thêm bột vào chả mực sẽ giúp miếng chả chắc hơn và có độ dẻo dai, ngậy khi chiên. Tuy nhiên, nếu cho nhiều bột hoặc loại bột không phù hợp sẽ làm giảm chất lượng chả mực. Dưới đây là một số loại bột có thể dùng để làm chả mực.
Bột năng: được sản xuất từ tinh bột mì. Thêm bột năng sẽ giúp chả mực có độ kết dính, miếng chả dai hơn.
Bột nếp cái hoa vàng: được làm từ gạo nếp cái hoa vàng, có hương thơm tự nhiên, đặc trưng. Thêm bột nếp cái hoa vàng vào chả mực sẽ giúp chả thơm hơn, ngon hơn.
Bột nở: giúp chả mực dẻo dai hơn và khi chiên có độ phồng, độ nở hơn.
Bột bắp: giúp cho chả mực mềm, mịn, dai, tạo độ giòn tốt hơn.
Tuy nhiên, bột phải được cân đong hợp lý. Nếu dùng quá nhiều bột sẽ khiến chả mực ngoài bị dai, bị mềm còn làm mất đi hương vị tự nhiên của chả mực.
7. Cách chế biến chả mực đông lạnh
Nếu làm chả mực nhưng không sử dụng hết trong một lần thì bạn có thể bảo quản ở ngăn đông tủ lạnh dưới -18 độ C (có thể trữ được 3-6 tháng). Mỗi lần muốn ăn chả mực, chỉ cần lấy lượng vừa đủ cho vào túi kín, rã đông bằng cách chuyển từ ngăn đông xuống ngăn mát tủ lạnh (thường thực hiện vào ngày hôm trước để hôm sau chế biến).
Đây là cách rã đông an toàn. Còn nếu không có thời gian, bạn có thể rã đông túi chả mực bằng nước lạnh (lưu ý không cho chả mực tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh, có thể thêm muối hoặc gừng đập dập vào nước lạnh để chả mực giữ được chất dinh dưỡng).
Đối với chả mực mua sẵn, tùy từng cơ sở chế biến mà sau khi bảo quản ở ngăn đông tủ lạnh, khi chế biến có cần rã đông hay không. Đối với chả mực Party, bạn không cần rã đông, chỉ cần sử dụng nồi chiên không dầu hoặc chảo chiên ngập dầu là có thể chế biến ngay món chả mực thơm ngon, hấp dẫn.